Mục lục
Sổ hồng và sổ đỏ
Hiện nay rất nhiều người hay nhầm lẫn giữa sổ hồng và sổ đỏ. Trong bài viết này, Bất Động Sản Uy Tín sẽ giúp bạn đọc cách phân biệt sự khác nhau giữa hai loại sổ này. Trên thực tế, sổ hồng và sổ đỏ chỉ là những tên gọi quen thuộc mà người dân tự đặt ra dựa vào màu sắc của mỗi loại giấy. Mục đích để giúp họ dễ dàng phân biệt giữa các loại giấy chứng nhận. Sự khác nhau giữa sổ hồng và sổ đỏ có thể được xem xét như sau.
Sổ đỏ là gì
Sổ đỏ là mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, bìa có màu đỏ, với nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất (có thể là đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, vườn, ao, đất rừng…) nên mẫu này có tên gọi đúng là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật đất đai 2003 thì “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.
Sổ hồng là gì
Trong khi đó, sổ hồng là mẫu do Bộ Xây dựng ban hành, bìa có màu hồng với nội dung là ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nên mẫu có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”.
Theo Điều 11 Luật nhà ở năm 2005, giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở được cấp cho chủ sở hữu theo quy định sau đây:
a) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
b) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại khoản này được gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Sổ hồng và sổ đỏ khác nhau như thế nào
Tuy nhiên, để thống nhất thành một loại Giấy chứng nhận. Ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng). Theo đó, hai loại Giấy chứng nhận nói trên sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Điều 97 Luật Đất đai 2013 quy định: 1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này”. |

Như vậy, theo như các quy định vừa trích dẫn ở trên, sổ hồng và sổ đỏ đều là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc quyền sở hữu nhà ở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Thực tế hiện nay vẫn đang lưu hành cả 3 loại giấy tờ. Cả 3 đều có giá trị pháp lý như nhau.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Diện tích tối thiểu để cấp sổ đỏ
Chiều ngày 5/12/2017, Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký ban hành Quyết Định 60/2017/QĐ-UBND (thay thế Quyết Định 33) – Quy định diện tích tối thiểu để cấp sổ đỏ tại TP.HCM.
Theo Quyết Định 60 diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM chia thành 03 khu vực.
- Khu vực 1: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú. Thửa đất hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa là 36m2. Chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m.
- Khu vực 2: Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức. Tối thiểu là 50m2. Chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m.
- Khu vực 3: Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ. Tối thiểu là 80m2. Mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m.
Đối với khu đất tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật. UBND quận, huyện có trách nhiệm rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để hướng dẫn chủ đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật. Đảm bảo phù hợp quy hoạch được duyệt. Kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu tại khu vực.
Ngoài ra đối với khu đất đã được cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất, có phần diện tích đất thuộc hành lang công trình công cộng và được cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp, Nhà nước chưa thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì phần diện tích đất nông nghiệp đó được tách cùng với đất ở và không bị điều chỉnh về diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp.
Riêng đối với đất sản xuất nông nghiệp, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500m2 đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác. Và 1.000m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối.
Việc tách thửa căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch phân khu 1/2000. Hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Thửa đất thuộc quy hoạch dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang thì được tách thửa. Trường hợp chưa có các quy hoạch trên thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)
Từ ngày 3/3, theo Nghị định 01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định thi hành Luật Đất Đai. Thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính về đất đai và những trường hợp mở rộng được cấp quyền sử dụng đất như sau:
- Thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thay đổi tài sản gắn liền với đất; tách thửa, hợp thửa đất, thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý tối đa là 15 ngày.
- Thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính; đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, vợ, chồng, nhóm người sử dụng đất… tối đa là 10 ngày.
- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày.
- Tách thửa, hợp thửa đất; thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý là không quá 15 ngày.
- Gia hạn sử dụng đất là không quá 7 ngày.
- Xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất là không quá 5 ngày.
- Đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề là không quá 10 ngày.
- Đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi hạn chế quyền sử dụng đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính hoặc thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký là không quá 10 ngày.
- Chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất là không quá 30 ngày.
- Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày.
- Xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 3 ngày.
- Đăng ký, xóa đăng ký thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất là không quá 3 ngày.
- Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng là không quá 5 ngày.
- Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là không quá 07 ngày; trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày.
- Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 10 ngày.
- Thời gian thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp là không quá 10 ngày.
Thảo luận về điều này post